Xơ gan là một trong những bệnh lý mạn tính thường gặp. Chúng cũng được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó bao gồm xơ gan mất bù. Vậy xơ gan mất bù là gì? Xơ gan mất bù có triệu chứng như thế nào? Có nguy hiểm không và điều trị bằng cách nào? Tất cả câu trả lời sẽ có ngay dưới đây.
Mục lục
Xơ gan mất bù là gì?
Xơ gan mất bù hay còn tên khác là xơ gan cổ trướng là thuật ngữ chỉ giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Vào giai đoạn này, lá gan hầu như bị xơ hóa hoàn toàn, những tế bào gan chưa xơ hóa cũng không còn khả năng bù trừ chức năng cho cho phần gan đã tổn xơ. Điều này khiến chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng.
Thông thường, biểu hiện của bệnh xơ gan mất bù rất rõ rệt, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, đầy hơi, trướng bụng. Kèm theo đó, một hoặc cả hai chân có thể bị phù, khi ấn vào sẽ để lại vết lõm và sau 1 – 2 phút vết này mới biến mất.
☛ Đọc thêm: Thế nào là bệnh xơ gan cổ trướng?
Nguyên nhân dẫn tới xơ gan mất bù
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng xơ gan mất bù. Phổ biến nhất bao gồm:
Viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C): Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xơ gan và tiến triển thành xơ gan mất bù. Theo đó, virus viêm gan khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tàn phá tế bào gan, khiến chúng bị tổn thương liên tục và kéo dài, chuyển sang xơ hóa, các tế bào gan sẽ dần bị thay thế bằng mô xơ và không có khả năng phục hồi, dẫn đến xơ gan mất bù.
Gan nhiễm mỡ: Tình trạng chất béo tích tụ quá mức trong gan do chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc sự rối loạn của quá trình chuyển hóa có thể gây ra các vấn đề như viêm gan, suy gan và dẫn tới xơ gan mất bù.
Lạm dụng rượu bia: Khi rượu đi vào cơ thể, chất ancol ngay lập tức sẽ tấn công gan và gây tổn thương cho tế bào gan. Quá trình này kéo dài dẫn đến việc xơ hóa gan. Mặt khác, rượu bia cũng là tác nhân thúc đẩy sự tiến triển của xơ gan, khiến nó nhanh chóng chuyển từ giai đoạn đầu độc tế bào sang giai đoạn mất bù, làm chức năng gan suy giảm.
Các yếu tố khác: Một số yếu tố khác như tích tụ sắt hoặc đồng trong gan, bệnh gan tự miễn, tổn thương tại đường mật, biến chứng bệnh tiểu đường hay tác dụng phụ của một số loại thuốc như methotrexate, amiodarone… cũng có thể tác động tiêu cực đến gan, thúc đẩy xơ gan tiến triển đến giai đoạn mất bù.
Xơ gan mất bù có triệu chứng gì?
Xơ gan mất bù thường có triệu chứng khá rõ ràng. Cụ thể, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như:
Xuất huyết tiêu hóa: Ước tính có khoảng 50% số ca bệnh xơ gan mất bù sẽ gặp tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Nguyên nhân được xác định do sự giãn vỡ tĩnh mạch. Cụ thể, huyết áp tăng cao tạo áp lực lên hệ thống tĩnh mạch tại ruột và dạ dày, làm chúng bị giãn và phồng to lên, sau đó vỡ ra gây xuất huyết tiêu hóa.
Chướng bụng – cổ trướng: Khoảng 85% bệnh nhân xơ gan mất bù gặp tình trạng cổ trướng. Chức năng lọc máu và tổng hợp protein của gan bị suy giảm nghiêm trọng, làm áp lực lên mao mạch tăng nhưng áp lực thẩm thấu lại giảm, khiến nước và các chất bị đẩy ra khỏi lòng mạch, ứ lại tại khoang màng bụng hình thành cổ trướng. Lượng dịch ứ đọng càng lớn thì áp lực lên vòng bụng càng nhiều, người bệnh sẽ càng cảm thấy nặng nề, đau đớn, các mạch máu ở hai bên mạn sườn và trên vùng da bụng cũng nổi rõ.
Vàng da, vàng mắt: Chức năng gan giảm sút, mất đi khả năng đào thải độc tố, hoạt động của ống mật cũng bị ảnh hưởng, gây tích tụ bilirubin trong gan làm cho da của người bệnh sẫm màu hơn và dần chuyển sang màu vàng nghệ. Điều tương tự cũng xảy ra ở mắt và móng tay.
Phù nề: Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất ở người bệnh xơ gan mất bù là hiện tượng phù nề. Ban đầu, người bệnh có thể chỉ bị phù ở hai chân, tuy nhiên khi chức năng gan ngày càng suy yếu, tình trạng này có thể xuất hiện trên toàn thân.
Một số triệu chứng khác: Người bệnh xơ gan mất bù cũng có thể gặp phải các triệu chứng như sút cân, mắt mờ, thiếu máu, suy thận, niêm mạc môi và lưỡi nhợt nhạt, sao mao mạch trên da, bầm tím dưới da, phân nhạt màu giống màu đất sét…
Biến chứng xơ gan mất bù
Mất bù đã là giai đoạn xơ gan nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao cùng nhiều biến chứng gây ảnh hưởng nặng nề với sức khỏe như:
Ung thư gan: Các trường hợp xơ gan mất bù, đặc biệt do nguyên nhân từ virus viêm gan B, C hoặc sự tích tụ chất độc hại sẽ có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư gan. Thời gian đầu, các khối u sẽ hình thành mà không có dấu hiệu cụ thể nào, đến khi người bệnh nhận thấy bất thường, khối u phát triển lớn, sức khỏe suy kiệt và các tế bào ung thư đã di căn thì quá muộn. Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người bệnh.
Nhiễm trùng ổ bụng: Khi gan suy yếu, khả năng loại bỏ độc tố giảm, sức đề kháng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh sẽ rất dễ bị nhiễm trùng dịch cổ trướng, nhiễm trùng ổ bụng. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, đau bụng, bạch cầu tăng, thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng máu, viêm phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Chứng não gan: Các mô xơ ở gan khiến khả năng loại bỏ độc tố giảm sút. Các chất độc như NH3 sẽ xâm nhập vào máu, tích tụ và tấn công tế bào não, gây chứng não gan. Điều này khiến người bệnh bị rối loạn tri giác, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.
Hội chứng gan thận: Khi gan trải qua quá trình xơ hóa nặng, áp lực tĩnh mạch cửa tăng lên, gây giảm lưu lượng máu đến thận và dẫn đến suy thận với những triệu chứng lượng nước tiểu, sưng mặt, sưng chân, đau ở vùng lưng và cảm giác mệt mỏi.
☛ Xem chi tiết: Cảnh giác với biến chứng xơ gan mất bù
Đối tượng nào dễ mắc xơ gan mất bù?
Xơ gan mất bù là giai đoạn cuối của quá trình xơ gan, khiến gan mất đi chức năng vốn có và không thể phục hồi. Chính vì vậy, đối tượng dễ mắc xơ gan mất bù thường là những người có tiền sử bệnh gan và một số trường hợp khác. Bao gồm:
- Người bị viêm gan virus mạn tính, nhất là viêm gan B, viêm gan C
- Người bị viêm gan tự miễn
- Người bị gan nhiễm mỡ
- Người thường xuyên lạm dụng rượu bia trong thời gian dài
- Người lạm dụng các loại thuốc có hại cho gan
- Người có vấn đề bệnh lý, khiếm khuyết tại ống mật…
- Người mắc các rối loạn liên quan đến di truyền (thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, rối loạn chuyển hóa đồng)…
Tiên lượng bệnh nhân xơ gan mất bù
Như đã đề cập ở trên, xơ gan mất bù khiến các mô tế bào gan bị phá hủy nghiêm trọng và không thể phục hồi. Các biện pháp điều trị trong giai đoạn này chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, hạn chế nguy cơ biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Theo các chuyên gia, bệnh xơ gan được phát hiện sớm (giai đoạn còn bù) nếu được điều trị đúng cách người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ từ 10 – 20 năm. Nếu phát hiện bệnh khi ở giai đoạn cuối có thể sống từ 1 – 3 năm, trong đó khoảng 50% người mắc xơ gan chỉ sống sót trong vòng chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên, kết quả thực tế còn tùy thuộc vào sức khỏe của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của các biến chứng và quá trình điều trị.
Phải làm gì khi bị xơ gan mất bù?
Xơ gan mất bù khiến gan không thể hoạt động được bình thường, kéo theo đó là bệnh cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị xơ gan mất bù, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được thăm khám, chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị đúng đắn, kịp thời.
Ngoài ra, khi bị xơ gan mất bù, người bệnh cần phải làm những điều sau:
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, nếu phải sử dụng thuốc, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh đơn thuốc hay thay đổi liều lượng. Đồng thời lưu ý tái khám đúng lịch hẹn hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc, cá, sữa chua, đậu, hạt. Đồng thời tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, chiên xào, cay, mặn, hay các thực phẩm có chứa chất bảo quản, chất kích thích… Duy trì uống 1 – 1.5 lít nước mỗi ngày.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Bệnh nhân xơ gan mất bù nên tạo thói quem vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… để cải thiện sức khỏe, tăng cường tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, nâng cao tinh thần. Tuyệt đối tránh những hoạt động quá sức gây mệt mỏi, đau nhức.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Nếu bị phù nề, nên nâng cao chân khi nằm, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không đeo trang sức như nhẫn, vòng tay… Nếu bị cổ trướng, người bệnh nên nằm nghiêng, không nằm ngửa, không đeo thắt lưng…
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các loại đồ uống có gas…
Các phương pháp điều trị xơ gan mất bù
Điều trị xơ gan mất bù đòi hỏi sự kết hợp giữa việc giải quyết nguyên nhân gây bệnh và giảm nhẹ triệu chứng, đồng thời thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn chặn và điều trị các biến chứng có thể phát sinh. Dưới đây là một phương pháp điều trị xơ gan mất bù thường được áp dụng:
Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
Việc xác định và loại bỏ nguyên nhân gây xơ gan mất bù sẽ giúp hạn chế tiến triển của bệnh. Ví dụ như:
- Xơ gan do virus: Cần áp dụng các biện pháp ức chế sự phát triển của virus song song với quá trình điều trị xơ gan.
- Xơ gan do sử dụng rượu bia: Ngừng sử dụng toàn bộ các loại đồ uống chứa cồn nhằm hạn chế tác động xấu lên gan.
- Xơ gan do nhiễm độc: Tránh tiếp xúc với các nguồn hóa chất độc hại và các loại thực phẩm bẩn.
Điều trị xơ gan bằng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất với các trường hợp xơ gan mất bù nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Tùy từng trường hợp, các thuốc có thể được sử dụng gồm:
- Thuốc chống rối loạn đông máu: Sử dụng Vitamin K liên tục trong khoảng 3 ngày để kiểm soát và điều chỉnh chế độ đông máu. Truyền huyết tương với trường hợp có nguy cơ chảy máu và cần hỗ trợ tái tạo tế bào hồng cầu.
- Thuốc tăng đào thải mật: Các thuốc như Ursolvan và Cholestyramine có thể được sử dụng để hỗ trợ việc đào thải mật, giúp cải thiện chức năng gan.
- Dịch acid amin phân nhánh: Người bệnh có thể được truyền acid amin phân nhánh để giúp cung cấp nhanh chóng các chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trong trường hợp suy gan.
- Albumin human: Thuốc này sẽ được dùng nếu mức albumin trong máu giảm dưới 25 g/l hoặc bệnh nhân có triệu chứng phù, tràn dịch các màng.
- Vitamin nhóm B: Bệnh nhân có thể được tiêm hoặc uống vitamin nhóm B để hỗ trợ tái tạo tế bào và cải thiện chức năng gan.
- Thuốc lợi tiểu: Nếu có triệu chứng phù hoặc cổ trướng, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc lợi tiểu để hỗ trợ loại bỏ nước thừa.
Ngoài ra, các trường hợp xơ gan mất bù bị cổ trướng cũng cần được theo dõi điện giải đồ, theo dõi nước tiểu và cân nặng, đồng thời kết hợp giảm muối, giảm nước uống.
Điều trị biến chứng và dự phòng biến chứng
Xơ gan mất bù có khả năng biến chứng cao, các biện pháp điều trị dự phòng biến chứng có thể bao gồm:
- Thắt tĩnh mạch: Nếu có giãn tĩnh mạch thực quản độ 2, 3 thì bệnh nhân có thể được chỉ định thắt tĩnh mạch thực quản để giảm áp lực và nguy cơ giãn vỡ.
- Nối tĩnh mạch cửa – chủ: Trường hợp xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nối tĩnh mạch.
- Lọc máu: Trường hợp xơ gan mất bù nghiêm trọng, người bệnh có nguy cơ bị não gan, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp sử dụng thuốc với việc lọc máu.
- Ghép gan: Việc phẫu thuật cấy ghép gan cũng được cân nhắc với những ca xơ gan mất bù nặng, có nguy cơ cao biến chứng.
☛ Tìm hiểu thêm: Điều trị xơ gan thế nào cho hiệu quả?
Lưu ý khi điều trị xơ gan mất bù
Mặc dù bệnh xơ gan ở giai đoạn cuối không thể chữa khỏi tuy nhiên người bệnh vẫn cần sự lạc quan và nghị lực để quá trình điều trị diễn tiến tốt đẹp. Ngoài việc tuân thủ thực hiện theo phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra, người bệnh cũng cần lưu ý:
- Chú trọng bổ sung dưỡng chất cho cơ thể: Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn, ăn các thực phẩm mềm để tránh tạo áp lực cho hệ tiêu hóa, đồng thời tăng khả năng hấp thu của cơ thể.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn: Người bệnh nên cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt các trường hợp xơ gan giai đoạn cuối nên nghỉ ngơi tại giường nhiều, vận động nhẹ nhàng. Tuyệt đối tránh các hoạt động quá sức gây hao tổn sức khỏe.
- Giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, tránh để năng lượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả điều trị.
Mọi thắc mắc về bệnh gan hãy chia sẻ ngay với chúng tôi qua hotline 18001190 (miễn cước) – 0912571190