Xơ gan là bệnh lý đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng các mô xơ, sẹo và thành lập các nốt tân sinh khiến chức năng gan dần suy giảm. Xơ gan được phân thành nhiều mức độ khác nhau. Việc phân độ này có ý nghĩa lớn trong điều trị, giúp xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh lý để có hướng giải quyết cho phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về phân độ xơ gan trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Ý nghĩa của việc phân độ xơ gan
Xơ gan là kết quả của quá trình xơ hóa lan tỏa xuất hiện cùng với các tổn thương trong một thời gian dài. Các tế bào gan bị hư hại, chết dần sẽ được thay thế bằng các mô sẹo, u, cục… khiến gan mất đi chức năng vốn có.
Phân độ xơ gan là việc xác định các mức độ tổn thương khác nhau do quá trình xơ hóa thông qua các phương pháp như: siêu âm độ đàn hồi mô gan, xét nghiệm máu, sinh thiết gan… Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, giúp bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất, hạn chế tối đa biến chứng.
Phân độ xơ gan theo Metavir
Metavir là một phương pháp đánh giá, phân loại mức độ xơ hóa của gan thường được áp dụng. Theo Metavir, phân độ xơ gan gồm các giai đoạn:
- F0 (không có xơ hóa)
- F1 (xơ hóa khoảng cửa)
- F2 (xơ hóa khoảng cửa với vài cầu nối)
- F3 (xơ hóa bắt cầu)
- F4 (xơ gan)
Trong đó, có 4 mức độ xơ hóa gan:
Giai đoạn F1
Ở giai đoạn F1 quá trình xơ hóa bắt đầu diễn ra với mức độ nhẹ, gan bắt đầu hình thành các mô sẹo. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sút cân, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa…
Đáng nói, các triệu chứng trong giai đoạn này thường xuất hiện ít và không rõ ràng, khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến tâm lý chủ quan, không thăm khám và điều trị khiến bệnh nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn F2.
Giai đoạn F2
Sang giai đoạn F2, gan đã bị tổn thương nhiều hơn, các mô sẹo và mô xơ hóa cũng xuất hiện nhiều làm chức năng gan bị suy giảm rõ rệt. Bác sĩ có thể quan sát rõ hình ảnh mô xơ thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Gan bị suy giảm chức năng khiến chất độc bị ứ đọng lại, không đào thải được ra ngoài làm nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể với các dấu hiệu điển hình như vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu sẫm.
Xơ gan giai đoạn F2 cũng khiến bệnh nhân bị đầy bụng, khó tiêu, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, thường sốt nhẹ vào buổi chiều tối, móng tay móng chân bị khô và chuyển sang màu trắng. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải chịu những cơn đau ở vị trí hạ sườn phải (khu vực gan).
☛ Đọc thêm: Xơ gan giai đoạn F2 sống được bao lâu?
Giai đoạn F3
Xơ hóa tiến triển tới giai đoạn 3 làm chức năng gan bị rối loạn bởi một phần tế bào gan đã bị thay thế bằng các mô xơ. Độ xơ hóa gan F3 cao hơn nhiều so với giai đoạn F2 khiến chức năng gan hầu như bị mất đi. Những tế bào gan khỏe mạnh còn lại sẽ phải làm việc nhiều hơn, thay thế cho phần tế bào gan đã bị xơ hóa. Hệ quả dẫn tới là việc quá tải, chất độc ứ đọng lại ngày một nhiều làm tế bào gan dần bị tổn thương nhiều hơn.
Ở giai đoạn này, người bệnh có các triệu chứng rõ rệt như:
- Cơ thể đau mỏi
- Tim đập nhanh, thường xuyên bị chóng mặt thậm chí bị ngất xỉu
- Tay chân phù nề, sau đó lan rộng sang các bộ phận khác
- Bụng phình to
- Đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, có thể bị đi ngoài phân đen.
Giai đoạn F4
Khi tiến triển sang giai đoạn xơ hóa F4, tế bào gan hầu như đã bị tổn thương hoàn toàn. Gan không còn chức năng vốn có và ngày càng có những diễn biến xấu hơn xảy ra. Bệnh nhân phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, nguy cơ biến chứng cao (suy gan, não gan, ung thư gan…). Đây được coi là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.
Trong giai đoạn này, ở người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như: vàng da, vàng mắt, chán ăn, sụt cân, tinh thần kém minh mẫn, chân phù nề hoặc phù toàn thân, chướng bụng.
Phân độ xơ gan dựa trên thang điểm Child Pugh
Thang điểm Child Pugh được đưa vào sử dụng từ năm 1973 với mục đích ban đầu nhằm đánh giá rủi ro tử vong sau phẫu thuật ở người bệnh có vấn đề về giãn tĩnh mạch thực quản chảy máu. Sau đó, chúng dần được cải tiến và trở thành công cụ phổ biến để đánh giá tiên lượng cho các trường hợp mắc bệnh gan mạn tính và xơ gan.
Theo Child Pugh, phân độ xơ gan được đánh giá dựa trên năm yếu tố chính, bao gồm: bilirubin, albumin huyết thanh, thời gian đông máu, mức độ cổ trướng và chứng não gan. Trong đó mỗi chỉ số được gán một số điểm tương ứng, tổng điểm này sau đó quyết định giai đoạn xơ gan và tình trạng chức năng gan của bệnh nhân.
Child-Pugh chia mức độ xơ gan thành ba giai đoạn, cụ thể:
- Giai đoạn A: Từ 5 đến 6 điểm.
- Giai đoạn B: Từ 7 đến 9 điểm.
- Giai đoạn C: Từ 10 đến 15 điểm (mức độ nặng nhất).
Dưới đây là cụ thể 5 yếu tố đánh giá phân độ xơ gan theo thang điểm Child Pugh:
Bilirubin toàn phần
Bilirubin là một trong các yếu tố chính mà Child Pugh căn cứ để tính toán độ xơ gan. Bilirubin được hình thành khi tế bào hemoglobin của hồng cầu bị phá hủy. Sau đó chúng sẽ di chuyển qua gan và được loại bỏ ra khỏi cơ thể. Xét nghiệm nồng độ Bilirubin trong huyết thanh sẽ cho phép đánh giá, xác định các bệnh lý có liên quan đến yếu tố chuyển hóa Bilirubin trước gan, ngay tại gan và cả sau gan.
Trong thang điểm Child Pugh, chỉ số Bilirubin được tính như sau:
- Dưới 34: 1 điểm
- Từ 34 đến 50: 2 điểm
- Trên 50: 3 điểm
Albumin huyết thanh
Trong cơ thể, Albumin chỉ được sản xuất tại gan. Vì vậy, chỉ số Albumin là một yếu tố quan trọng giúp cảnh báo về tình trạng chức năng gan. Nếu nồng độ Albumin giảm cho thấy chức năng gan đang suy giảm thì lượng Albumin trong máu cao lại có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước trong cơ thể.
Khi áp dụng vào thang điểm xơ gan Child Pugh, chỉ số này được tính theo các mức như sau:
- Albumin đạt 35: 1 điểm
- Từ 28 đến 35: 2 điểm
- Dưới 28: 3 điểm.
Thời gian đông máu (INR)
Xét nghiệm INR liên quan đến quá trình đông máu và thường được thực hiện trước khi bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật, thủ thuật hoặc trong quá trình theo dõi sức khỏe liên quan đến đông máu hay sau khi bệnh nhân ngừng sử dụng các loại thuốc chống đông máu.
Xơ gan có thể gây ra các rối loạn đông máu nên INR được xem là yếu tố cần thiết giúp phân độ xơ gan. Trong thang điểm Child Pugh, chỉ số này được tính theo các mức như sau:
- Dưới 1,7: 1 điểm
- Từ 1,7 đến 2,3: 2 điểm
- Trên 2,3: 3 điểm.
Tình trạng cổ trướng
Cổ trướng xảy ra do hiện tượng ứ đọng dịch trong khoang bụng. Đây là tình trạng thường gặp ở người bệnh xơ gan giai đoạn cuối chính vì vậy nó cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ xơ gan.
Khi bị cổ trướng, bụng của bệnh nhân sẽ phình to, căng ra và để lộ các mạch máu trên da bụng và hai bên mạn sườn. Kèm theo đó là cảm giác nặng nề, đau đớn.
Theo thang điểm Child Pugh, chỉ số này được tính theo các mức như sau:
- Không có cổ trướng: 1 điểm
- Cổ trướng nhẹ: 2 điểm
- Cổ trướng trung bình đến nặng: 3 điểm.
Chứng não gan
Não gan là biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải ở người bệnh xơ gan. Khi bị não gan, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như: suy giảm trí nhớ, lú lẫn, kém tập trung, lo âu, trầm cảm. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong.
Theo thang điểm Child Pugh, điểm phân độ theo chứng não gan được tính như sau:
- Không có triệu chứng bệnh não gan: 1 điểm
- Triệu chứng cấp I-II (hoặc được kiểm soát bằng thuốc): 2 điểm
- Triệu chứng cấp III-IV (hoặc không kiểm soát được bằng thuốc): 3 điểm.
Tiên lượng theo cấp độ xơ gan
Thực tế, phần gan bị xơ hóa không phục hồi trở lại như ban đầu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách ở giai đoạn F1, F2 (theo thang điểm Metavir) hoặc giai đoạn A (theo thang điểm Child Pugh) thì chức năng và hoạt động của gan vẫn có thể hồi phục và không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, nếu không có biện pháp can thiệp điều trị, để bệnh tiến triển đến cấp độ nặng hơn (F3, F4 hoặc cấp độ C) thì sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ cao biến chứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Theo đó, các tế bào gan khỏe mạnh ngày càng ít đi khiến khả năng giải độc của gan cũng giảm theo. Đến một thời điểm, gan sẽ không thể loại bỏ độc tố, những độc tố này sau đó có thể đi vào não, gây chứng não gan.
Ngoài ra, các trường hợp xơ gan ở giai đoạn F3 trở lên hoặc giai đoạn C, người bệnh còn có thể phải đối diện với tình trạng cổ trướng và các biến chứng khác như nhiễm trùng dịch cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng gan thận, đặc biệt là ung thư gan… đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tính mạng. Lúc này, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và thường chỉ nhằm mục đích giảm đau, hạn chế biến chứng và kéo dài tuổi thọ.
☛ Đọc thêm: Những biến chứng nguy hiểm của xơ gan
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về các cấp độ của xơ hóa gan. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như vàng da, vàng mắt, đau vùng gan… bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Chúc bạn sức khỏe!
Thùy Vân đã bình luận
ông tôi bị xơ gan độ 4, bệnh có chữa được không, thời gian sống lâu nữa không.
Kiên Trương đã bình luận
Chào chị Vân!
Xơ gan giai đoạn 4 không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Mục đích của điều trị bệnh ở giai đoạn này giúp giảm các triệu chứng và kéo dài sự sống cho người bệnh bằng các biện pháp hỗ trợ như: Sử dụng thuốc điều trị nội khoa…
Thùy Liên đã bình luận
tôi bị xơ gan độ 2, có nguy hiểm không
Kiên Trương đã bình luận
Chào chị Liên!
Xơ gan độ 2 ở giai đoạn còn bù. Ở giai đoạn này, chị cần tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để giảm tiến triển xơ gan, hạn chế nguy cơ biến chứng và tăng cường chức năng gan.