Viêm gan virus B cho đến hiện nay vẫn là bài toán chưa có lời giải với ngành y dược vì chưa tìm ra được phương pháp trị khỏi bệnh hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn, bệnh đang có chiều hướng diễn tiến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế, người bệnh nên cập nhật phác đồ điều trị viêm gan B thường xuyên để có biện pháp khống chế và đẩy lùi căn bệnh đáng sợ này.
Mục lục
Viêm gan B mạn tính nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan siêu vi B mạn tính là tình trạng người bệnh không thể loại bỏ virus HBV ra khỏi cơ thể sau khi nhiễm bệnh ở giai đoạn cấp tính. Chúng sẽ tiếp tục tồn tại trong tế bào gan và kéo dài gần như suốt đời.
Đặc biệt, đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành qua các con đường như đường máu, đường quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con… Điều này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe cộng đồng.
☛ Tìm hiểu: Nguyên nhân gây viêm gan b
Viêm gan B mạn tính ở thể nhẹ gây ra những tổn thương gan không đáng kể. Người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng như: cơ thể mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn lâu dần dẫn tới suy nhược cơ thể, cảm giác khó chịu nhẹ ở vùng bụng trên rốn, buồn nôn… Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển tới giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu: vàng da, vàng mắt, sụt cân, báng bụng (bụng phình to và chứa dịch), nước tiểu sậm màu, yếu cơ, dễ bầm tím và hay chảy máu, lú lẫn…
Bệnh thường diễn biến âm thầm theo thời gian, nếu không được phát hiện sớm và điều trị, viêm gan B sẽ phá hủy cấu trúc và chức năng gan một cách nghiêm trọng, dẫn tới các biến chứng như xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan, đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm gan B mạn tính có chữa khỏi không?
Cho tới nay vẫn chưa có biện pháp chữa dứt điểm hoàn toàn viêm gan B mạn tính. Các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm khống chế sự hoạt động của virus và giúp người bệnh có thể chung sống hòa bình với chúng một cách lâu dài.
Theo số liệu thống kê của Bộ y tế, có 90% các trường hợp nhiễm virus viêm gan tự khỏi sau 6 tháng (viêm gan B cấp tính), 5% tiến triển thành viêm gan B mạn tính nhưng không gây nguy hiểm và virus không hoạt động, 5% còn lại chuyển sang những biến chứng xấu do viêm gan B mạn gây ra.
Người bệnh viêm gan B mạn tính sử dụng thuốc cần theo hướng dẫn và chỉ định để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.. Một số trường hợp khi điều trị có hiệu quả có thể ngưng thuốc nhưng vẫn cần theo dõi, thăm khám và xét nghiệm định kỳ, tránh tình trạng bệnh tái phát trở lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
☛ Nên xem: Viêm gan B mạn tính sống bao lâu?
Phác đồ điều trị viêm gan B bắt buộc
Không phải tất cả các trường hợp mắc viêm gan B đều phải điều trị. Người bệnh viêm gan B mạn tính sẽ được chỉ định điều trị khi có đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
- Trường hợp 1: HBsAg (+), HBeAg (+), định lượng HBV-DNA trên 10^5 copies/ml, men gan cao gấp hơn 2 lần bình thường, kèm theo các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, vàng da, rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn.
- Trường hợp 2: HBsAg (+), HBeAg (-), định lượng HBV-DNA trên 10^4 copies/ml, men gan cao gấp 2 lần, đã có triệu chứng lâm sàng của bệnh.
Mục tiêu của việc điều trị là ức chế được sự nhân lên của virus, làm giảm nồng độ virus trong máu, giảm các triệu chứng của bệnh, hạ men gan và quan trọng là ngăn chặn nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi, thể trạng mà người bệnh sẽ được chỉ định những phác đồ điều trị phù hợp. Cụ thể:
Bệnh nhân chưa từng điều trị bằng thuốc chống virus HBV
Trong trường hợp bệnh nhân được phát hiện mắc viêm gan B mạn tính và chưa từng sử dụng thuốc điều trị kháng virus HBV trước đó, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định 1 trong 2 loại thuốc là Tenofovir disoproxil fumarat (TDF), Tenofovir alafenamide fumarat (TAF) hoặc Peg-Interferon alfa 2a hay 2b (dùng đường tiêm) hoặc Entecavir (ETV) (dùng đường uống).
Liều dùng tham khảo:
- Tenofovir alafenamide fumarat (TAF): uống 25 mg/ ngày.
- Tenofovir disoproxil fumarat (TDF): uống 300 mg/ngày.
- Entecavir ETV: uống 0,5 mg/ngày, nên uống trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ.
- Peg-IFN alfa 2a liều lượng 180 mcg/tuần hoặc Peg-IFN alfa 2b với liều 1.5 cmg/kg/tuần, tiêm dưới da bụng. Các thuốc này cần được sử dụng liên tục trong 48 tuần. Ưu tiên dùng cho phụ nữ có kế hoạch mang thai, nồng độ HBV-DNA < 10^7 IU/ml hoặc khi người bệnh yêu cầu.
Ngoài ra, trước khi dùng Peg-IFN trong điều trị, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát cơ địa và một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc hoặc chống chỉ định điều trị. Các xét nghiệm này có thể bao gồm: test thử thai, công thức máu, creatinin máu, đường huyết, tỷ lệ prothrombin, Albumin máu, xét nghiệm ANA, T4/TSH, ECG, HIV và các xét nghiệm hình ảnh như XQ phổi thẳng, siêu âm bụng, siêu âm tim…
Thời gian điều trị:
- Bệnh nhân có HBeAg (+): Dùng thuốc kéo dài ít nhất 12 tháng, ngưng thuốc khi HVB DNA < 10^4 copies/ml và xuất hiện HBeAg (-) hoặc xuất hiện anti-HBe.
- Bệnh nhân có HBeAg (-): Thời gian điều trị sẽ khó xác định hơn vì ngừng thuốc rất dễ tái phát và có thể kéo dài đến khi mất HBsAg.
☛ Tìm hiểu thêm: Thuốc điều trị viêm gan B
Bệnh nhân đang dùng Nucleos(t)ide analogues (NAs)
Việc sử dụng Nucleos(t)ide analogues (NAs) cần tuân thủ theo chỉ định. Nếu xảy ra các trường hợp dưới đây cần can thiệp xử lý kịp thời:
- Không phản ứng với siêu vi: HBV-DNA giảm dưới 1log10 sau 12 tuần hoặc giảm dưới 2log10 sau 24 tuần điều trị.
- Phản ứng siêu vi một phần: HBV-DNA vẫn cao sau 6 tháng dùng Lamivudine hoặc Adefovir hay sau 12 tháng với Entecavir hoặc TDF.
- Bùng phát siêu vi: HBV-DNA tăng hơn 1log10 so với mức thấp nhất.
Cách xử lý:
- Nếu đang dùng Lamivudine hay Adefovir (ADV) hoặc cả hai: Có thể chuyển sang dùng Lamivudine và TDF.
- Trường hợp đang dùng Entecavir hoặc TDF đơn: Nên tiếp tục tuân thủ điều trị trong khoảng 1-3 tháng, sau đó xem xét điều trị lại hoặc phối hợp thuốc.
- Nếu đang sử dụng TDF: Phối hợp với Lamivudine hay Entecavir hoặc Emtricitabine (FTC).
- Nếu đang dùng Entecavir: Chuyển sang TDF.
- Trường hợp đang dùng TDF và Lamivudine hoặc Entecavir và Adefovir gặp tình trạng bùng phát siêu vi: Chuyển sang TDF và Entecavir.
Thời gian điều trị:
Tùy trường hợp cụ thể, thời gian điều trị có thể khác nhau:
- HBeAg (+): Dùng thuốc ít nhất 24 tháng, sau đó kiểm tra HBeAg và HBV-DNA.
- HBeAg (-): Xem xét ngừng thuốc nếu HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện trong 5 lần xét nghiệm liên tiếp (mỗi 6 tháng/lần).
Lưu ý: Sau khi ngừng thuốc cần theo dõi chặt chẽ tái phát và thực hiện xét nghiệm, thăm khám định kỳ. Các trường hợp thất bại trong điều trị nên xác định đột biệt kháng thuốc bằng phương pháp giải trình tự gen nếu có điều kiện.
Điều trị viêm gan B mạn tính cho trường hợp đặc biệt
Việc điều trị viêm gan B mạn tính cho một số trường hợp đặc biệt sẽ đòi hỏi một số thay đổi trong phác đồ. Ví dụ:
- Trường hợp viêm gan B mạn biến chứng xơ gan còn bù: Nếu chỉ số ALT và nồng độ HBV-DNA cao, có thể dùng thuốc uống hoặc tiêm. Trường hợp sử dụng IFN alfa, có thể sử dụng 5 MIU/ngày hoặc 10 MIU/lần, 3 lần/tuần, duy trì tiêm dưới da trong khoảng 6-12 tháng.
- Trường hợp viêm gan B mạn biến chứng xơ gan không còn bù: Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân, có thể sử dụng TDF, ETV hoặc Lamivudine và Adefovir . Tuyệt đối không dùng IFN/Peg-IFN.
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Dùng Lamivudine với liều lượng 3 mg/kg/ngày và không quá 100 mg/ngày hoặc IFN alfa 2a với liều 6 MIU/m3 (không vượt quá 10 MIU/lần), 3 lần/tuần.
- Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Có thể xem xét sử dụng Adefovir với liều 0,25 mg/kg/ngày, dùng tối đa 10 mg/ngày hoặc TDF theo liều lượng 8 mg/kg/ngày, không quá 300 mg/ngày.
- Chỉ số ALT ở mức 1-2 lần ULN, HBV-DNA > 106 copies/ml và có tiền sử gia đình với ung thư gan: Cần xem xét các xét nghiệm khác như sinh thiết gan, đo độ đàn hồi gan hoặc mức độ tổn thương gan, đánh giá xơ hóa gan… từ đó cân nhắc liệu pháp chống virus và điều trị.
- Phụ nữ có thai: Sử dụng các thuốc như Tenofovir, Telbivudine. Tuyệt đối không dùng các thuốc IFN/Peg-IFN cho phụ nữ có thai.
- Trường hợp ung thư gan với HBsAg (+): Cân nhắc dùng ETV hoặc TDF trước hoặc sau quá trình điều trị ung thư gan.
- Đồng nhiễm HBV/HIV: Sử dụng thuốc kháng HIV ARV kết hợp cùng TDF và Lamivudine hoặc hoặc Emtricitabine, không phụ thuộc vào số lượng CD4.
- Các trường hợp đặc biệt khác: Cần được hội chẩn đánh giá của chuyên gia trước khi đưa ra phác đồ điều trị.
Theo dõi điều trị
Theo dõi điều trị là việc cần thiết và vô cùng quan trọng với sức khỏe người bệnh.
Trong quá trình điều trị: Bệnh nhân cần được theo dõi các triệu chứng lâm sàng và các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Ngoài ra, cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ như HBeAg, Anti-HBe, transaminases, creatinine mỗi 3 tháng/lần và HBV-DNA mỗi 3 – 6 tháng.
Sau khi ngưng điều trị: Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu lâm sàng và duy trì tái khám, thực hiện các xét nghiệm định kỳ như HBeAg, HBsAg, Anti-HBe, HBV DNA mỗi 3-6 tháng để đánh giá sức khỏe và tiên lượng tái phát.
Điều trị dự phòng
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, có diễn tiến phức tạp và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, điều trị dự phòng cũng là một phần không thể thiếu trong phác đồ điều trị viêm gan B với nhiều trường hợp.
Dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con: Trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B cần được tiêm chủng ngay sau sinh từ 12 – 24 giờ với HBIG và vắc xin ngừa HBV.
Ngoài ra, nếu mẹ có nồng độ HBV cao hoặc HBeAg (+), cân nhắc điều trị với Tenofovir từ tuần thứ 28 của thai kỳ và tiếp tục duy trì trong 1-3 tháng sau khi sinh. Đồng thời cần theo dõi sát sức khỏe của mẹ sau khi ngưng thuốc dự phòng vì có nguy cơ tái phát viêm gan.
Dự phòng viêm gan B mạn bùng phát khi điều trị hóa trị liệu hoặc thuốc ức chế miễn dịch: Tất cả các trường hợp nhiễm virus siêu vi B khi điều trị bằng phương pháp hóa trị liệu hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đều có nguy cơ tái phát viêm gan B.
Do đó, trước khi bắt đầu điều trị, cần thực hiện xét nghiệm HBsAg hoặc Anti-HBc IgG (nếu HBsAg âm tính) để đánh giá tình trạng hoạt động của virus và xem xét biện pháp điều trị dự phòng bằng các thuốc kháng virus như Lamivudine, Entecavir hoặc Tenofovir disoproxil fumarat. Thời gian điều trị dự phòng cần kéo dài ít nhất 12 tháng sau khi ngừng hóa trị hoặc ngừng dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Kết luận
Viêm gan B mạn tính tiềm ẩn nhiều biến chứng và rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ, qua đó giảm thiểu tối đa các tổn thương do virus viêm gan B gây ra, nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe.
Nguồn tham khảo:
- https://bachmai.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/179-TRIAL-cap-nhat-dieu-tri-viem-gan-virut-b-man-444+188-145.html
- https://emed.bvbnd.vn/wiki/phac-do/pd-dt/viem-gan-sieu-vi/