Sỏi gan là bệnh phổ biến nhưng không phải ai cũng biết đến cho tới khi bản thân mắc phải. Đây là dạng sỏi có nhiều biến chứng và rất khó điều trị đồng thời dễ tái phát. Những thông tin sau đây giúp bạn đọc hiểu chi tiết hơn về bệnh lý này và có hướng điều trị đúng đắn.
Mục lục
Bệnh sỏi gan là gì?
Sỏi gan hay còn có tên gọi khác như sỏi mật trong gan, sỏi đường mật trong gan. Những viên sỏi có kích thước to nhỏ khác nhau nằm ở các vị trị như vi quản mật, tiểu quản mật hoặc ống gan. Thành phần chính của dạng sỏi này là bilirubin (sỏi sắc tố), cholesterol chỉ chiếm 5–10%.
Thực tế, sỏi này thường có màu vàng xanh, có thể tồn tại dưới dạng viên hoặc bùn. Đây là dạng sỏi trong ống mật thường gặp và khá nguy hiểm tới hệ thống gan – mật.
Dựa vào vị trí xuất hiện có thể chia sỏi gan thành 3 loại như sau:
- Sỏi ống gan chung
- Sỏi đường mật trong gan trái
- Sỏi đường mật gan phải (sỏi gan phải, sỏi ống gan phải, sỏi nhánh gan phải).
Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan
Có nhiều nguyên nhân chính hình thành sỏi trong gan, bao gồm:
- Sự bất thường của axit mật và cholesterol trong gan
- Viêm đường mật do mật tích tụ trong gan.
- Sự tích lũy quá nhiều các chất độc hại trong gan cũng như toàn bộ cơ thể
- Thói quen ăn uống chất dinh dưỡng nghèo nàn.
- Di truyền (sự xuất hiện của các gen xấu).
- Sử dụng thường xuyên các loại thuốc tổng hợp.
- Giun từ ruột lên đường mật gây nhiễm trùng.
Triệu chứng nhận biết sỏi mật trong gan
Sỏi mật trong gan khác với các loại sỏi khác, chúng gây khó chịu ngay khi kích thước còn nhỏ. Ngay từ khi còn nhỏ, người bệnh đã có thể nhận thấy một số triệu chứng như:
- Cơn đau quặn vùng sườn phải: Cơn đau xảy ra dữ dội do sỏi di chuyển gây cọ xát, đau đột ngột ở 1/4 góc bụng phải, có thể kéo dài trên 5 giờ. Cơn đau có thể lan lên vai phải và sau lưng khiến người bệnh rất khó chịu.
- Nóng sốt và rét run: Khi bị nhiễm khuẩn đường mật sẽ có dấu hiệu này. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, âm ỉ hoặc sốt cao lên tới 39 – 40 độ C.
- Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu: Những biểu hiện này thường do tắc mật, nếu có dấu hiệu này bạn cần nhanh chóng thăm khám và điều trị sớm.
- Ngoài ra, người bệnh có các dấu hiệu khác như tiêu hóa kém, chán ăn, sụt cân…
Đau quặn vùng sườn phải là dấu hiệu cảnh báo sỏi gan bạn chớ bỏ qua.
Thông tin cần biết: Bí quyết giữ gìn lá gan luôn khỏe mạnh
Bị sỏi gan có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sỏi gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong đó phải kể tới:
Viêm mủ đường mật: Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh sỏi gan. Viêm mủ đường mật tái đi tái lại nhiều lần có thể gây xơ hóa, chít hẹp đường mật, áp xe gan, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa… Thậm chí một số trường hợp có thể tử vong do nhiễm trùng huyết và suy gan.
Nhiễm trùng huyết và choáng nhiễm trùng: Những cơn sốt cao kèm theo rét run, nhiễm trùng và tắc mật nặng, rối loạn huyết động có thể khiến người bệnh vào tình trạng choáng và mệt. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh cần phải cấy máu nhiều lần.
Tổn thương gan: Sỏi trong gan nhiều ngày kèm theo viêm nhiễm gây tổn thương nhu mô gan, thay thế bằng tổ chức xơ. Tình trạng này tiếp diễn kéo dài dẫn tới xơ gan.
Ung thư đường mật: Ung thư đường mật do gan bị sỏi chiếm khoảng 3 – 4,3%. Các nhà khoa học giải thích, ung thư có thể do ứ trệ dịch mật dài ngày đã kích thích các tế bào niêm mạc đường mật tăng sinh, tạo ra các tế bào bất thường gây ung thư đường mật.
Đọc thêm thông tin: Bị bệnh gan nên ăn gì, kiêng gì?
Cách điều trị sỏi gan hiện nay
Mục tiêu của điều trị bệnh là lấy hết sỏi và làm đường mật thông suốt. Tuy nhiên, việc chữa trị đường mật hiện nay rất khó đạt mục tiêu trên bởi kích thước đường ống dẫn mật rất nhỏ, sỏi nằm rải rác ở sâu trong nhu mô gan và tỷ lệ tái phát cao. Do đó, tùy trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định giải pháp điều trị sao cho phù hợp. Đối với sỏi gan chưa có triệu chứng sẽ được theo dõi, còn lại phần lớn sẽ có chỉ định can thiệp ngoại khoa.
Người bệnh được bác sĩ kê đơn thuốc, các thuốc được kê đơn chủ yếu là thuốc giảm đau, chống viêm… có tác dụng giảm các triệu chứng, điều trị cơn đau quặn gan, đầy chướng, khó tiêu cho người bệnh.
Điều trị sỏi gan không hề đơn giản, tùy trường hợp cụ thể có cách trị khác nhau.
Chủ yếu, tây y điều trị sỏi gan bằng cách can thiệp phẫu thuật hoặc nội soi. Đặc biệt với các trường hợp sỏi trên 5mm, sỏi đã gây biến chứng. Dưới đây là 5 phương pháp can thiệp, phẫu thuật điều trị sỏi gan (sỏi đường mật trong gan):
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đây là phương pháp khá an toàn nhưng tỷ lệ thành công trong điều trị thường thấp. Đồng thời, đòi hỏi người thực hiện cần có kỹ thuật cao.
Nội soi đường mật xuyên gan qua da: Phương pháp này khá phổ biến với ưu điểm lấy được sỏi, kết hợp xử lý hẹp đường mật. Biện pháp được chỉ định khi nội soi mật tụy ngược dòng thất bại hoặc người bệnh đã điều trị nhiều lần.
Tán sỏi qua da: Có thể thực hiện phương pháp tán sỏi qua da bằng sóng siêu âm hoặc tán sỏi trong cơ thể. Tuy nhiên, đặc điểm tán sỏi gan là ít hiệu quả, cần tiến hành nhiều lần và người bệnh có nguy cơ cao gặp phải biến chứng.
Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi: Khi sỏi thành dải, quá nhiều trong ống gan không thể nội soi được sẽ áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, người mắc bệnh tim mạch hoặc rối loạn đông máu thì không áp dụng phương pháp này.
Cắt một thùy gan: Phương pháp này dành cho khoảng 15% số trường hợp sỏi gan, là những người có sỏi nằm trong 1 ống thùy gan, gây teo, tắc nghẽn và viêm mạn tính. Đây là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc do sỏi nằm quá sâu trong nhu mô gan.
Điều trị sỏi gặp không hề đơn giản bởi sỏi dễ tái phát và không phải lúc nào cũng có thể can thiệp được. Bởi sỏi nằm vị trí quá sâu, dị dạng đường mật bẩm sinh hay u đường mật.