Viêm gan C là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng lại được biết đến như là “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn biến âm thầm trong cơ thể mà không biểu lộ bằng bất cứ dấu hiệu triệu chứng nào. Do đó, nhiều phụ nữ khi mang bầu rồi mới phát hiện bản thân mắc viêm gan C hoặc khao khát sinh con dù đang mang bệnh trong mình. Vậy, mẹ bị viêm gan C có nên sinh con không?
Về khả năng lây truyền viêm gan C từ mẹ sang con
Viêm gan C là căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây từ mẹ sang con và hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm thấp, chỉ khoảng <5% và nếu người mẹ được điều trị bệnh tốt trước khi mang thai, tỉ lệ này còn giảm xuống thấp hơn nữa. Khả năng truyền bệnh khi thai ở trong tử cung là rất hiếm. Đa số trường hợp lây ở giai đoạn sinh nở. Phần lớn những đứa trẻ nhiễm HCV ở giai đoạn này thường không có triệu chứng và trẻ rất bình thường trong lúc còn nhỏ. Khi trẻ lớn hơn, khoảng sau 18 tháng cần xét nghiệm thêm để tìm hiểu ảnh hưởng của nhiễm HCV.
Ảnh minh họa
Ở những bà mẹ đồng nhiễm HIV và viêm gan C, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con tăng gấp 4 lần (khoảng 15-20%). Do đó, trước khi có ý định mang thai, mọi phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe của mình để có phương hướng điều chỉnh hoặc điều trị kịp thời trong quá trình mang thai.
>>Xem thêm: Bị viêm gan C, phụ nữ vẫn có thể mang thai
Nguy cơ viêm gan C khiến trẻ bị dị tật?
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguy cơ thai nhi bị dị tật nếu mẹ mắc viêm gan C. Tuy nhiên, các chuyên gia gan mật cũng khuyến cáo, phụ nữ bị viêm gan C không nên sử dụng thuốc kháng virus hoặc hỗ trợ điều trị viêm gan C trong quá trình mang thai vì ít nhiều những loại thuốc này cũng sẽ ảnh hưởng tới trẻ.
Thuốc kháng virus hay hỗ trợ chỉ nên dùng trước khi có ý định mang thai và chị em cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bà mẹ bị viêm gan C có thể cho con bú không?
HCV không lây qua đường sữa mẹ vì thế những người mẹ nhiễm virus viêm gan C hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng: người mẹ nhiễm HCV không nên cho con bú khi thấy đầu vú bị nứt hoặc chảy máu, tốt nhất nên vắt sữa rồi cho con ăn để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm sang cho đứa trẻ.
Trong quá trình mang thai và sinh nở, người mẹ mắc viêm gan C nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa gan mật và sản khoa để có hướng điều trị, theo dõi và tầm soát lây lan bệnh hiệu quả, tránh làm lây nhiễm virus ngoài cộng đồng.
>> Xem thêm: Ảnh hưởng của viêm gan C tới thai nhi có nghiêm trọng không?
>> Xem thêm: Viêm gan C có lây từ mẹ sang con không?