Viêm gan B là bệnh lý về gan khá phổ biến mà rất nhiều người mắc phải. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao thông qua nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, có không ít người thắc mắc viêm gan B có di truyền không? Để giải đáp câu hỏi này, mời độc giả theo dõi những thông tin sau đây.
Viêm gan B có di truyền không?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm, chúng âm thầm phá hủy gan mà không gây ra các triệu chứng rõ rệt cho tới khi bệnh trở nặng hoặc có biến chứng. Đa số bệnh nhân đều không biết mình bị bệnh nên dễ lây truyền cho người khác. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B (HBV).
Xảy ra sự nhầm lẫn này bởi có nhiều thai phụ mắc bệnh sinh ra con bị nhiễm viêm gan B. Hoặc trong gia đình có người thân bị viêm gan B vô tình trẻ bị lây nhiễm do tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh. Chính vì điều này mà nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng bệnh có tính di truyền.
Thực tế, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B. Con đường lây nhiễm là từ mẹ sang con trong thai kỳ, quá trình sinh nở hoặc lây truyền qua đường tiếp xúc vết thương hở… Vì vậy, cha mẹ cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc viêm gan B.
Vì sao không di truyền nhưng trẻ lại dễ mắc viêm gan B?
Như đã trình bày ở phần trên, viêm gan B không phải là bệnh di truyền nhưng có tính truyền nhiễm rất cao. Trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh dẫn tới nhiều hệ lụy sức khỏe về sau này. Điều này được lý giải bởi virus viêm gan B lây truyền khá phổ biến từ mẹ sang con – đây là con đường lây nhiễm rất nguy hiểm. Khi thai phụ nhiễm virus HBV, tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi rất cao, có thể lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ và ngăn chặn kịp thời. Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính có thể đến 90%. Trong số đó, có khoảng 25% có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
Tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ. Trong đó, 3 tháng đầu thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%; 3 tháng giữa của thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm tăng lên 10%; 3 tháng cuối của thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm là 60 – 70%.
Nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi lên tới 90% trong quá trình sinh đẻ nếu không có biện pháp bảo vệ sau khi sinh. Tỷ lệ lây nhiễm ở giai đoạn này tăng cao bởi thời điểm này các cơn co thắt tử cung khiến các mạch máu tại bánh nhau bị co thắt khiến máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu của con. Ngoài ra, trong dịch nhầy âm đạo của người mẹ cũng chứa HBV. Khi trẻ sinh thông qua ống âm đạo của mẹ dễ bị lây nhiễm virus HBV do tiếp xúc với dịch nhầy âm đạo.
Giai đoạn cho con bú, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con rất thấp vì nồng độ virus trong sữa mẹ thấp. Nếu có xảy ra thì do đầu vú người mẹ bị tổn thương chảy máu hoặc miệng của trẻ cũng đang bị tổn thương, điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus HBV từ mẹ.
Bên cạnh đó, trẻ em cũng dễ bị nhiễm virus viêm gan B khi tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc thông qua vết xước, vết thương chảy máu…
➤ Thông tin xem thêm: Mẹ bị viêm gan b có lây sang con không?
Cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B cho trẻ nhỏ
Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B ở trẻ khá cao, con đường lây nhiễm chủ yếu từ mẹ sang con. Do đó, bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho con bằng cách:
Về phía người mẹ:
Để dự phòng lây nhiễm cho thai nhi, thai phụ cần gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và chẩn đoán tình trạng bệnh. Bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác bạn có bị viêm gan B hay không cũng như kiểm tra nồng độ virus viêm gan B trong máu cao hay thấp. Dựa vào kết quả chẩn đoán này bác sĩ chỉ định có điều trị hay không.
Nếu chưa có chỉ định điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Trường hợp có chỉ định điều trị, thai phụ thường sẽ được hướng dẫn uống thuốc TDF 1 viên/ngày (được cho phép thai phụ dùng).
Mặt khác, để hạn chế khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi, việc giảm nồng độ siêu vi B trong cơ thể người mẹ cũng rất quan trọng. Mẹ bầu cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn, đồ uống chứa chất kích thích khác.
Về phía trẻ:
Để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con, trẻ sơ sinh cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng từ 12 – 24 giờ đầu sau sinh. Khi đó, cơ thể bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu tiêm phòng viêm gan b không đúng cách hoặc tiêm quá muộn, nguy cơ bé bị viêm gan B rất cao.
Đối với thai phụ nhiễm viêm gan B thì ngay sau khi sinh bé được tiêm 1 liều immunoglobulin và một mũi vacxin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi vắc xin tiếp theo sẽ thực hiện theo đúng phác đồ tiêm chủng mở rộng quốc gia của Bộ Y tế để đạt hiệu quả tốt nhất và đây cũng là cách phòng bệnh viêm gan B tốt nhất cho trẻ
Sau đó, trẻ cần được theo dõi và xét nghiệm huyết thanh học bao gồm HBsAg và anti HBs lúc trẻ từ 9-12 tháng tuổi. Tốt nhất là 12 tháng tuổi hoặc sau khi tiêm đủ phác đồ viêm gan B từ 1 – 2 tháng nếu bé tiêm trễ nhằm mục đích đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ.
Sau sinh các bà mẹ bị nhiễm bệnh vẫn có thể cho con bú sữa mẹ để đảm bảo bé phát triển tốt nhất. Bởi virus viêm gan B chỉ tồn tại trong sữa mẹ với lượng rất nhỏ nên nguy cơ lây bệnh thấp. Trước khi cho trẻ bú, mẹ cần làm sạch đầu ti và quan sát cẩn thận. Nếu thấy núm ti bị rạn nứt, chảy máu, tiết nhiều dịch hoặc trẻ bị chảy máu, nứt miệng, tưa lưỡi … cần dừng cho con bú bởi virus gây bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé thông qua vết trầy xước, chảy máu. Mẹ chờ tới khi vết thương lành hẳn mới cho con bú tiếp.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần bảo vệ trẻ trước nguy cơ tấn công virus viêm gan B bằng cách:
- Không cho trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh như dụng cụ cắt móng, bàn chải, kim tiêm, khăn tắm… vì chúng có thể dính máu của người bệnh, tăng nguy cơ lây truyền virus HBV cho trẻ.
- Khi trẻ có vết thương hay vết bầm tím cần băng ngay lại để tránh tiếp xúc với máu.
- Không cho trẻ chạm vào máu hoặc chất dịch của bất cứ ai mà không có biện pháp bảo vệ.
Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm viêm gan B giúp bảo vệ trẻ trước mối nguy hiểm đối với sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của bệnh và giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế.