Tiêm vacxin viêm gan B được coi là biện pháp hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay trước sự xâm nhập và tấn công của virus viêm gan B. Có thể sẽ xuất hiện một số phản ứng phụ sau khi tiêm phòng viêm gan B vậy nên chúng ta cần theo dõi cẩn thận đồng thời xử lý kịp thời khi có bất thường.
Mục lục
Vacxin viêm gan B là gì? Có an toàn không?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm gây nên bởi virus viêm gan B (Hepatitis B Virus – HBV). Virus này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công các tế bào gan, làm suy giảm chức năng hoạt động của gan, dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan, thậm chí gây tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
Vacxin viêm gan B có tác dụng ngăn ngừa sự tấn công và gây hại của virus viêm gan B cho những đối tượng chưa bị mắc bệnh và chưa có kháng thể chống lại virus. Bản chất của vacxin là các phân tử protein có bên trên bề mặt chủng virus ái tính với Hepatitis B Virus. Sau khi vào cơ thể, các phân tử protein này sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể để đối kháng lại với virus.
Tiêm vacxin viêm gan B được xem là việc làm cần thiết trong việc phòng ngừa lây nhiễm virus HBV. Tất cả các đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, cho đến thanh thiếu niên, người lớn chưa bị mắc viêm gan B hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh đều được khuyến cáo tiêm vacxin ngừa bệnh.
Vacxin viêm gan B được đánh giá là an toàn, ít gây ra tác dụng phụ, được tiêm chủng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và chúng hoàn toàn có thể sử dụng với phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc cho con bú.
➤ Xem thêm: Những thông tin cần biết về vacxin viêm gan B
Nguyên nhân dẫn đến các phản ứng sau khi tiêm vacxin
Ngay cả khi vacxin đã được xử lý, chuẩn bị và tiêm đúng cách thì vẫn có những trường hợp phản ứng với các đặc tính vốn có của vacxin. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến các phản ứng sau khi tiêm vacxin. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân do vacxin
Đây là những phản ứng liên quan đến các thành phần có trong vacxin, thường là các phản ứng nhẹ, sẽ tự khỏi sau một vài ngày. Hầu như không có trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào có nguyên nhân là do vacxin.
Do sai sót trong quá trình tiêm chủng
Quá trình thực hành tiêm chủng xảy ra sai sót trong các khâu như chuẩn bị, pha hồi chỉnh, sai kỹ thuật tiêm, bảo quản và sử dụng vacxin không đúng cách,… cũng là nguyên nhân gây nên các phản ứng sau khi tiêm vacxin.
Để hạn chế và phòng tránh những phản ứng này, vacxin cần được vận chuyển, bảo quản, thực hành tiêm chủng đúng quy chuẩn.
Do tâm lý lo sợ của người tiêm
Một số người tiêm luôn cảm thấy lo lắng quá mức với việc tiêm vacxin. Khi đó, cơ thể sẽ xảy ra một số phản ứng như ngất xỉu (thường gặp ở trẻ trên 6 tuổi), nôn, ngưng thở ngắn, la hét (ở trẻ nhỏ), nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê xung quanh miệng, bàn tay,… Thậm chí các phản ứng này có thể lan ra hàng loạt người khác trong các chiến dịch tiêm chủng diện rộng.
Do sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn
Phản ứng này xảy ra do không phải do 3 nguyên nhân kể trên mà là do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý có sẵn hoặc nguyên nhân khác. Có một vài trường hợp phản ứng sau tiêm vacxin không xác định được nguyên nhân.
Tương tự như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tiêm vacxin cũng có thể xảy ra một số phản ứng dị ứng. Tùy trường hợp, theo từng cơ địa người tiêm hoặc tùy theo loại vacxin mà các phản ứng xảy ra là khác nhau.
Phản ứng phụ sau khi tiêm phòng viêm gan B
Tuy là một loại vacxin an toàn, ít gây tác dụng phụ không mong muốn nhưng vacxin viêm gan B vẫn có thể gây ra một số phản ứng phụ. Cụ thể gồm:
Phản ứng phụ phổ biến
Đây là những phản ứng nhẹ, xảy ra sau khi tiêm và thường chỉ kéo dài 1-2 ngày rồi biến mất. Các phản ứng được kể đến như:
- Đau ở vị trí tiêm
- Vết tiêm bị sưng, đỏ hoặc gây ngứa ngáy
- Xuất hiện một cục u hoặc một quầng màu tím quanh chỗ tiêm.
- Người tiêm cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.
- Có thể bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C.
- Với trẻ nhỏ thường sẽ quấy khóc, khó chịu.
Trên đây là những phản ứng phụ phổ biến, thường xuất hiện và biến mất 1-2 ngày sau tiêm. Nếu sau thời gian này mà các triệu chứng không biến mất thì phải liên hệ ngay với cơ sở thực hiện tiêm phòng và các bác sĩ để được can thiệp, xử lý kịp thời.
Phản ứng phụ hiếm gặp
So với các phản ứng thường gặp thì các phản ứng này hiếm gặp hơn nhưng cấp độ nguy hiểm và nghiêm trọng lại cao hơn. Nếu gặp phải những dấu hiệu này sau tiêm vacxin viêm gan B thì cần thông báo ngay cho bác sĩ:
- Chóng mặt, ngất xỉu khi thay đổi tư thế ngồi, nằm hoặc đứng lên đột ngột.
- Khó thở, thở khò khè.
- Nổi phát ban, dị ứng trên da trong vài ngày hoặc vài tuần tiêm vacxin.
- Đau lưng, đau khớp, vùng cổ hoặc vai bị đau hoặc tê cứng.
- Thị lực suy giảm, tầm nhìn bị thay hạn chế.
- Cơ thể đổ mồ hôi bất thường, có cảm giác ớn lạnh.
- Vùng da ở tai, mặt hoặc cánh tay bị đỏ.
- Đau hoặc co thắt dạ dày, bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay táo bón.
- Vùng mắt hoặc cả mặt bị sưng.
- Lòng bàn tay, bàn chân cảm ngứa ngáy hoặc tê ran.
- Ăn không ngon miệng, luôn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.
- Bị mất ngủ hoặc có thể buồn ngủ bất thường.
- Có dấu hiệu nhầm lẫn, rối loạn ý thức
- Cơ thể mệt mỏi, sút cân.
Tai biến nặng (cực hiếm gặp)
Trường hợp này cực kỳ hiếm gặp, khả năng xảy ra ở đối tượng có cơ địa nhạy cảm, quá mẫn với thành phần nào đó của vacxin. Gặp những tai biến này cần phải xử lý cấp cứu ngay lập tức vì chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người tiêm. Một số triệu chứng tai biến nặng được kể đến gồm:
- Sốc phản vệ: Xuất hiện trong khi tiêm hoặc ngay sau khi tiêm. Các triệu chứng gồm: kích thích, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, tụt huyết áp, mạch nhỏ, khó thở, đau quặn bụng, vệ sinh không tự chủ, nôn ói, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ý thức.
- Phản ứng quá mẫn cấp tính: Xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm vacxin với một hoặc nhiều triệu chứng như khó thở, thở ngắt quãng, phù nề thanh quản, phát ban, phù nề ở mặt hoặc toàn thân,…
- Co giật: Là những cơn co giật toàn thân, không kèm theo dấu hiệu tại chỗ, có thể sốt hoặc không.
- Sốt cao trên 38,5 độ C và không có dấu hiệu giảm.
- Áp xe tại vị trí tiêm.
- Nhiễm khuẩn huyết.
Tóm lại, tùy cơ địa mỗi người mà các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng vacxin viêm gan B là khác nhau. Với những phản ứng nhẹ, có thể tự xử lý ở nhà hoặc để sau 1-2 hôm sẽ tự hết. Còn nếu các phản ứng nhẹ kéo dài nhiều ngày không hết hoặc xuất hiện các phản ứng nặng hơn như dị ứng, phát ban, khó thở,… thì ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, những phản ứng mà vacxin viêm gan B gây ra được xem là không đáng kể gì so với những rủi ro tiềm ẩn mà virus viêm gan B có thể gây ra. Từ khi vacxin viêm gan B bắt đầu được cung cấp và sử dụng vào năm 1982, hàng trăm triệu người đã được tiêm nhưng chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ đe dọa đến tính mạng của loại vacxin này.
➤ Có thể bạn quan tâm: Tiêm phòng viêm gan B bao nhiêu mũi là đủ?
Xử lý các phản ứng phụ này như thế nào?
Với những phản ứng khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau. Dưới đây là một số cách xử lý khi gặp các phản ứng sau khi tiêm vacxin viêm gan B:
Phản ứng nhẹ
Sốt nhẹ dưới 38,5 độ C
Người tiêm vẫn ăn uống bình thường, nghỉ ngơi ở chỗ thoáng mát, uống nhiều nước giúp nhanh hạ sốt hơn. Với trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc tiền sử sốt cao co giật thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt nếu thân nhiệt trên 38 độ C.
Bầm tím, chảy máu
Phản ứng này xảy ra do giảm tiểu cầu, phần lớn là nhẹ và sẽ tự khỏi. Nếu không tự khỏi và chuyển nặng thì nên đưa đến các cơ sở y tế để điều trị bằng thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.
Sưng, đỏ tại vị trí tiêm
Bình thường, triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, người tiêm có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm sưng đau. Nếu lâu quá mà không đỡ thì nên sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Đau khớp
Khớp gần vị trí viêm hay khớp nhỏ ngoại vi bị đau thoáng qua hoặc dai dẳng tầm 10 ngày sẽ tự khỏi. Còn nếu kéo dài hơn thì cần sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
Hội chứng não, màng não cấp tính
Đặc điểm khi mắc hội chứng này là có 2 trong 3 triệu chứng sau: những cơn kịch phát, ý thức rối loạn kéo dài 1 đến nhiều ngày và hành vi thay đổi rõ rệt kéo dài 1 đến nhiều ngày. Lúc này, cần đưa luôn người tiêm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tai biến nặng
Những tai biến này hầu như cực hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu chẳng may có xuất hiện các tai biến nặng sau khi tiêm vacxin viêm gan B thì cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Cụ thể như sau:
Sốc phản vệ
Tình trạng này thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm vacxin xong. Lúc này, cần dừng ngay việc tiêm vacxin lại, đồng thời khẩn trương tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế. Tiếp theo là chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất để được xử lý tiếp.
Phản ứng quá mẫn cấp tính
Thường xảy ra trong khoảng 2 tiếng sau khi tiêm vacxin. Người bệnh sẽ được cho dùng các loại thuốc kháng histamin, thuốc phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo đủ nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trong trường hợp các phản ứng nặng thì cần cho thở oxy và xử trí giống với khi bị sốc phản vệ.
Co giật
Người bệnh sẽ được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông đường thở, hút đờm dãi, cho thở oxy. Cùng với đó là sử dụng các loại thuốc chống co giật như Diazepam hoặc các thuốc chống co giật khác theo phác đồ xử trí co giật.
Sốt cao trên 38,5 độ C
Lúc này, người bệnh cần được uống nhiều nước và đảm bảo đầy đủ nhu cầu về dịch và dinh dưỡng. Trường hợp sốt cao không có dấu hiệu hạ thì có thể uống thuốc hạ sốt.
Áp xe
Nếu bị áp xe, khi sờ vào chỗ tiêm sẽ thấy mềm hoặc có dịch rỉ ra. Có 2 trường hợp là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn. Điều trị áp xe bằng cách chích rạch và dẫn lưu đồng thời sử dụng kháng sinh nếu nguyên nhân gây áp xe là do nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn huyết
Tình trạng này thường khởi phát cấp tính, có tính chất toàn thân và rất nghiêm trọng, có thể dẫn tới biến chứng là sốc nhiễm trùng. Điều trị lúc này bao gồm điều trị sốc theo phác đồ, sử dụng kháng sinh và điều trị các biến chứng.
Kết luận
Trên đây là một số phản ứng phụ có thể gặp phải sau khi tiêm vacxin viêm gan B cùng cách xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, các bạn không cần quá lo lắng vì vacxin viêm gan B được đánh giá là rất an toàn, ít xảy ra các tác dụng phụ. Tiêm phòng viêm gan B là phương pháp hỗ trợ tối ưu nhất trong việc phòng ngừa bệnh viêm gan B, bảo vệ sức khỏe của bản thân và nâng cao sức khỏe xã hội.