Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 350-400 triệu người đang mang virut viêm gan B (hepatitis B virus: HBV) mạn tính với khoảng 1-2 triệu trường hợp tử vong vì các bệnh có liên quan đến nhiễm HBV mạn tính (xơ gan, ung thư gan). Tỉ lệ nhiễm HBV thay đổi theo từng vùng địa dư khác nhau: hơn 8% dân số tại châu Phi và châu Á; 2-7% ở Nam Âu và Đông Âu; khoảng 2% ở Tây Âu, Bắc Mỹ và châu Úc. Ở Việt Nam, tỉ lệ người mang HBsAg chiếm khoảng 8-15% dân số (ước tính từ 6-10 triệu người) và tình trạng nhiễm HBV, đặc biệt viêm gan do HBV (gọi tắt là viêm gan B) mạn tính là một vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân trong cộng đồng.
Hình ảnh minh họa
Chính vì vậy, trong những thập kỷ vừa qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng một số thuốc kháng virut để điều trị viêm gan B mạn tính như: Lamivudine (Epivir-HBV) năm 1998, Adefovir (Hepsera) năm 2002, Entecavir (Baraclude) năm 2005, Telbivudine (Tyzeka) năm 2006 và 2008, Tenofovir (Viread)… Các thuốc này đã được Mỹ và các nước EU đưa vào điều trị viêm gan B mạn tính cho hiệu quả tương đối tốt.
Tuy nhiên cho đến nay, hiện tượng kháng một số thuốc kháng virus trên đã xuất hiện với các tỉ lệ khác nhau và sự phát triển của kháng thuốc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị viêm gan B mạn tính. Các nhà nghiên cứu đã kết luận: khi điều trị viêm gan B mạn tính bằng nucleoside lâu dài sẽ xuất hiện hiện tượng đột biến kháng thuốc của virut. Tỉ lệ chủng đột biến kháng thuốc có liên hệ với nồng độ HBV-DNA trước khi điều trị, tốc độ ức chế virut, thời gian điều trị và các biểu hiện trước khi điều trị nucleoside. Tỉ lệ kháng thuốc theo kiểu gen cũng khác nhau theo độ nhạy của phương pháp được sử dụng để xác định chủng kháng và bệnh nhân (BN) được xét nghiệm.
Biểu hiện đầu tiên của kháng thuốc là sự phát triển trở lại của virut, được xác định bằng việc tăng HBV-DNA huyết thanh lớn hơn 1 log10 trong quá trình điều trị của những BN đáp ứng virut lần đầu. Nồng độ HBV-DNA có khuynh hướng thấp lúc đầu khi mới sử dụng thuốc bởi vì hầu hết các chủng kháng thuốc đều giảm sao chép đúng so với HBV tự nhiên.
Tuy nhiên, sự đột biến bù có thể hồi phục lại việc sao chép với mức độ nhanh hơn dẫn tới tăng nồng độ HBV-DNA cao hơn trước khi điều trị. Việc phát triển trở lại của virut thường đi theo sau biến đổi về sinh hóa (tăng nồng độ ALT). Đột biến nhanh chóng của chủng kháng thuốc có thể dẫn đến tình trạng không đáp ứng lần đầu, một vài trường hợp có thể bị viêm gan nặng đột ngột và viêm gan mất bù.
Đột biến kháng thuốc có thể xác định được sau nhiều tháng hoặc vài năm trước khi bùng phát về sinh hóa. Do đó, việc xác định và can thiệp sớm có thể ngăn chặn viêm gan nặng đột phát và viêm gan mất bù, điều này đặc biệt quan trọng ở những BN bị ức chế miễn dịch và xơ gan.
Sưu tầm