Bạn có biết HbeAg là gì không? Đây là một chỉ số quan trọng trong xét nghiệm sinh hóa máu cho người bệnh gan, đặc biệt là người mắc viêm gan B. HbeAg cho biết virus viêm gan B có đang hoạt động hay không, và có khả năng lây lan ra sao. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về HbeAg là gì và ý nghĩa của xét nghiệm HbeAg, hãy đọc tiếp bài viết này nhé.
Mục lục
HbeAg là gì? Xét nghiệm HbeAg là gì?
HbeAg là viết tắt tiếng Anh của từ Hepatitis B envelope Antigen – có nghĩa là kháng nguyên e của virus viêm gan B. HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ vỏ capsid của virus viêm gan B hay một dạng Protein virus do các tế bào của virus viêm gan B (HBV) tiết ra. Sự xuất hiện chỉ số này trong cơ thể chứng tỏ người bệnh đã mắc bệnh viêm gan B, virus viêm gan B có khả năng lây lan nhanh chóng từ người bệnh sang người lành nếu không có những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Kháng nguyên HBeAg xuất hiện khi HBsAg bắt đầu được phát hiện. Chúng sẽ biến mất trước khi HBsAg bị triệt tiêu trong quá trình điều trị. Do đó, xét nghiệm kiểm tra HBeAg sẽ được thực hiện sau khi có kết quả xét nghiệm HBsAg nhằm đánh giá mức độ viêm gan của người bệnh.
Xét nghiệm sàng lọc HBeAg được chỉ định không phải để xác định xem người bệnh có mắc viêm gan B hay không. Mục đích của xét nghiệm này dùng để tiên lượng khả năng lây nhiễm bệnh viêm gan B hoặc theo dõi quá trình tiến triển trong điều trị ở người bệnh mắc viêm gan B.
Kết quả xét nghiệm HBeAg mang ý nghĩa định tính, tức là cho kết quả dương (+) hoặc âm tính (-). Viêm gan B thể không hoạt động (HBeAg âm tính) là những người có mang virus trong máu nhưng không có biểu hiện gì ra bên ngoài lẫn trong xét nghiệm men gan. Mặc dù có kết quả âm tính nhưng người bệnh không nên chủ quan mà cần theo dõi nhằm tiến hành điều trị kịp thời khi có hiện tượng viêm gan xảy ra. Bên cạnh đó, viêm gan B thể không hoạt động khi ở trong cơ thể vẫn có khả năng lây nhiễm sang người khác (thông qua con đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con) gây hại cho gan.
Xét nghiệm HBeAg có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Khi có kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể dự đoán được khả năng lây bệnh cho thai nhi. Một ví dụ khác về vai trò của xét nghiệm HBeAg là dự đoán khả năng lây viêm gan B giữa các đôi vợ chồng. Cặp vợ chồng có 1 trong 2 người dương tính với HBeAg thì 70% người còn lại sẽ nhiễm viêm gan B. Ngược lại, nếu bệnh nhân có HBeAg âm tính thì chỉ có khoảng 30% vợ hoặc chồng của họ sẽ bị nhiễm virus.
Tóm lại, dù trong mọi trường hợp kết quả HBeAg có âm tính hay dương tính thì người bệnh vẫn luôn cần phải duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung đủ lượng rau xanh, trái cây, không dùng các đồ uống có cồn, có chất kích thích. Đồng thời cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Ý nghĩa khi chỉ số HbeAg dương tính
Xét nghiệm HBeAg là một trong những xét nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng lây lan của virus viêm gan B đối với người khỏe mạnh. Sau khi làm xét nghiệm, kết quả sẽ có 2 trường hợp xảy ra, đó là HBeAg âm tính hoặc dương tính. Dựa vào kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp dựa trên diễn tiến của bệnh lý.
Khi chỉ số HBeAg dương tính là một tiêu chí chứng tỏ virus đang hoạt động. Nếu có kèm theo chỉ số men gan tăng cao, gan có dấu hiệu bị viêm thì người bệnh được khẳng định mắc virus viêm gan B. Nếu tình trạng này kéo dài chứng tỏ virus hoạt động càng mạnh và bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Lúc này người bệnh cần áp dụng các biện pháp điều trị nhằm đưa virus viêm gan B về trạng thái ngủ, ổn định lại các chức năng hoạt động của gan, giảm thiểu sự lây nhiễm và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
HBeAg dương tính có thể xảy ra 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Xét nghiệm HBeAg dương tính nhưng các chức năng hoạt động của gan vẫn bình thường. Ở trường hợp này khả năng ngăn chặn virus hoạt động mạnh và đưa chúng về trạng thái ngủ yên sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.
Trường hợp 2:
Khi virus viêm gan B đã phá hủy các tế bào gan và làm ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của gan. Lúc này cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bác sĩ sẽ có hướng điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Nếu sau một thời gian các chỉ số xét nghiệm trở lại ở mức bình thường, tình trạng bệnh có dấu hiệu thuyên giảm người bệnh có thể tiếp tục theo phác đồ điều trị đó.
Trong quá trình điều trị, chỉ số HBeAg giúp đánh giá xem quá trình điều trị có đạt hiệu quả hay không. Nếu sau một liệu trình, chỉ số HBeAg dương tính trở về âm tính, kết hợp với những chỉ số khác như chỉ số men gan AST và ALT có dấu hiệu giảm, định lượng HBV-DNA về dưới ngưỡng phát hiện thì người bệnh có thể tạm thời ngưng dùng thuốc kháng virus viêm gan B. Có thể khám sức khỏe định kỳ để có thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất.
Đặc biệt lưu ý với phụ nữ mang thai ở tam cá nguyệt cuối cùng, nếu chỉ số HBeAg dương tính thì khả năng lây nhiễm viêm gan B sang thai nhi rất cao. Người mẹ cần phải khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát bệnh, nắm bắt khả năng lây lan từ mẹ sang con.
Chỉ số HbeAg âm tính nói lên điều gì?
Xét nghiệm HBeAg cho kết quả âm tính có thể xảy ra 2 khả năng là virus không hoạt động hoặc virus có hoạt động nhưng có đột biến vùng gen mã hóa tổng hợp HBeAg dẫn tới kết quả âm tính.
Trường hợp 1: Virus không hoạt động
Virus viêm gan B đang trong trạng thái ngủ yên, tạm thời không hoạt động, mức độ tổn thương của gan tương đối thấp và khả năng lây nhiễm không cao. Ở trường hợp này, bác sĩ chưa cần cho người bệnh sử dụng tới thuốc kháng virus viêm gan B. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên duy trì khám định kỳ 3 tháng 1 lần nhằm nắm bắt tình hình phát triển của virus và có được sự kiểm soát kịp thời.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng và ngăn chặn quá trình hoạt động trở lại của virus.
Trường hợp 2: Virus viêm gan B hoạt động nhưng có đột biến vùng gen mã hóa tổng hợp HBeAg
Để xác định virus có khả năng đột biến hay không, cần thực hiện thêm xét nghiệm HBV-DNA và HBV genotyping. Nếu 2 xét nghiệm này cho kết quả dương tính, điều đó có nghĩa là virus viêm gan B vẫn đang hoạt động và có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của gan. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể cho từng người bệnh.
Người bệnh viêm gan B mãn tính nhưng kết quả xét nghiệm HBeAg âm tính
Nếu men gan AST và ALT tăng từ 1 – 2 lần thì nên xét nghiệm men gan và HBV-DNA 3 tháng/lần. Đối với người bệnh ở độ tuổi trên 40 tuổi, định lượng viêm gan B không thay đổi thì cần phải làm sinh thiết gan để đánh giá hoại tử gan. Nếu gan bị hoại tử hoặc xơ phải được điều trị ngay. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe người bệnh đang có dấu hiệu chuyển nặng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Mặc dù kết quả HBeAg âm tính, nhưng để đánh giá xem có cần điều trị tiếp hay không cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu lượng HBeAg âm tính, nhưng tải lượng HBV-DNA nằm trong phạm vi 10^4 copies/ml và lượng HbsAg dương tính thì người bệnh vẫn phải điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đã chỉ định.
Trước khi kết quả xét nghiệm HBeAg và các chỉ số men gan trở về trạng thái bình thường thì người bệnh vẫn cần phải điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý dừng điều trị khi chưa có sự cho phép của bác sĩ có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HBeAg
Để không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm, trước khi thực hiện xét nghiệm HBeAg người bệnh cần chú ý một số điều sau đây:
- Tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, caffein…trước khi làm xét nghiệm.
- Không sử dụng bất cứ loại thuốc tây nào trong vòng 1 tuần trước khi xét nghiệm.
- Khi có kết quả xét nghiệm HBeAg cần chú ý chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học. Bổ sung nhiều rau xanh, hạn chế thức khuya.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo hướng dẫn, phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm HBeAg?
Xét nghiệm HBeAg được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Thông thường xét nghiệm này được thực hiện trên những người bệnh mắc viêm gan B. Xét nghiệm này cho biết khả năng lây nhiễm của người bệnh sang người bình thường ở mức độ nào. HBeAg (-) khả năng lây lan ít. Ngược lại, nếu HBeAg (+) khả năng lây nhiễm cao. Trường hợp HBeAg (+), bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm men gan ALT, AST để đưa ra phương án điều trị.
- Xét nghiệm HBeAg được chỉ định thực hiện để theo dõi người bệnh sau điều trị viêm gan B. Chỉ số HBeAg cao hay thấp tương ứng với nồng độ virus có trong cơ thể. Trường hợp chỉ số HBeAg thấp dần sau điều trị chứng tỏ kết quả điều trị tốt.
Người bệnh viêm gan B cũng cần có ý thức chủ động phòng tránh và điều trị bệnh do virus viêm gan B để hạn chế lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học để cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng. Nếu có dấu hiệu suy gan cần tới trung tâm y tế chuyên khoa để kiểm tra cụ thể. Với người chưa mắc viêm gan B nên tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B để phòng bệnh hiệu quả.
Xét nghiệm định tính HBeAg có ảnh hưởng tới chỉ định điều trị?
Viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” nên việc tiếp tục hay ngưng điều trị cần phải được cân nhắc cẩn thận. Xét nghiệm HBeAg chỉ mang ý nghĩa đánh giá khả năng lây nhiễm bệnh. Do đó, ngay cả khi xét nghiệm này cho kết quả âm tính, người bệnh vẫn cần kết hợp thêm kết quả của các xét nghiệm khác. Nếu HBeAg (-) nhưng người bệnh vẫn cần tuân thủ điều trị nếu các kết quả khác cho kết quả như sau:
- Xét nghiệm HbsAg dương tính
- Xét nghiệm HBV-DNA chưa xuống dưới ngưỡng an toàn (10^4 copies/ml)
- Trị số men gan chưa trở về mức bình thường