Với người bệnh viêm gan ngoài việc điều trị bằng thuốc để ổn định bệnh thì chế độ ăn uống – chế độ dinh dưỡng hàng ngày “đúng và đủ” cho người bệnh viêm gan là rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như góp phần ngăn ngừa các biến chứng của bệnh viêm gan như: xơ gan và ung thư gan.
1- Đối với người viêm gan cấp tính
Vì người bị viêm gan cấp tính thường có các biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ khớp, có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ậm ạch, đầy hơi, khó chịu, chậm tiêu, buồn nôn và nôn… Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn này bệnh nhân nên ăn nhẹ, uống nhẹ, nên ăn làm nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu.
Cần lưu ý, các biểu hiện trên thường dễ chịu hơn vào buổi sáng, vì vậy bệnh nhân nên ăn nhiều hơn. Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ. Cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh…
Trong giai đoạn này bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan.
Trong trường hợp viêm gan cấp tính mức độ nặng, bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện để có được chế độ điều trị và chăm sóc hợp lý.
2 – Đối với người viêm gan mạn tính
Thực phẩm sử dụng cần hết sức đa dạng trong các nhóm như rau, củ, quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá hay trứng. Thức ăn cần cung cấp đủ năng lượng, cho bệnh nhân, phù hợp với trọng lượng chiều cao và hoạt động của cơ thể. Cần cung cấp đủ lượng protein cần thiết để tấn công bệnh tật, tái tạo gan và không thất thoát các chất cơ. Các thức ăn cần có nhiều vitamin A (như gan gà, gan lợn…) và vitamin C (cam, quýt, rau sống…)
- Rau củ và trái cây: Cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ…).
- Sữa: Mỗi ngày bệnh nhân nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D, có thể sử dụng chế phẩm của sữa như sữa chua, phô mai.
- Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.
- Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục, giảm thiếu tối đa các chất quá béo, quá ngọt.
- Hiện nay người ta khuyến cáo với những người bị viêm gan mạn tính cần siêu âm, kiểm tra chức năng gan định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng.
3 – Một vài trường hợp đặc biệt
Với người bị xơ gan: Bệnh nhân cần phải ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít giúp cho gan sử dụng tốt hơn nitrogen và làm giảm sự ôxy hóa các chất béo, ngăn ngừa sự thiếu hụt glycogen dự trữ. Đáng chú ý, trong trường hợp xơ gan có cổ trướng thì khẩu phần ăn của bệnh nhân cần giảm lượng muối và nên dùng các chất có tác dụng lợi tiểu.
Với người thừa cân và gan nhiễm mỡ: Một số bệnh nhân thừa cân và bị gan nhiễm mỡ cần phải giảm ăn để giảm bớt sự thoái hóa mỡ gan. Đặc biệt chứng thoái hóa mỡ gan hay xảy ra ở bệnh nhân viêm gan virut nói chung và viêm gan siêu vi C nói riêng. Nhiễm mỡ gan đi đôi với béo phì dễ dẫn đến xơ hóa và một số bệnh lý khác. Bệnh nhân cần giảm cân từ từ bằng cách áp dụng chế độ ăn hợp lý và hoạt động cơ thể. Không nên giảm cân nhanh vì nó sẽ làm tổn thương gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và gia tăng sự xơ hóa.
Và cuối cùng, một điều hết sức quan trọng là không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trong điều trị nhất là các thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan như thuốc hạ sốt giảm đau, vitamin A liều cao…, việc dùng thuốc nam cũng cần được cân nhắc vì hầu hết thuốc nam có thể biết được tác dụng chính nhưng tác dụng không mong muốn thì chúng ta chưa biết hết nên nhiều khi mang đến sự phiền toái cho người bị viêm gan.
Tóm lại, gan như một nhà máy sinh học, mọi loại thức ăn, nước uống dưới hình thức nào cũng phải qua gan. Khi gan bị tổn thương thì mọi hoạt động trở nên rối loạn. Chính vì vậy, khi gan bị bệnh cần ăn uống những gì có lợi cho gan là điều quan trọng nhất.
Nguồn internet
Đọc thêm: