Những dấu hiệu như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn; đau bụng hoặc đau tức, khó chịu ở vùng bụng trên bên phải, bên dưới xương sườn; chán ăn, sốt nhẹ; nước tiểu sẫm màu là biểu hiện thường thấy ở người mắc viêm gan A. Vốn được biết đến là căn bệnh dễ lây nhiễm. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm gan A cao nhất hiện nay? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Những đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan A
Viêm gan A là căn bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh chóng qua đường miệng. Những đối tượng thường mắc viêm gan A bao gồm:
- Những người trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp giữa miệng với hậu môn, hoặc ngón tay, đồ vật đụng chạm với hậu môn của người đã nhiễm bệnh là những nguyên nhân chính lây nhiễm.
- Những người, đặc biệt là trẻ em, cư ngụ trong các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A cao hơn những nơi khác.
- Những người du hành tới các quốc gia thường có bệnh viêm gan A.
- Quan hệ tình dục, sử dụng chung bơm kim tiêm, dao cạo dâu… với người mắc viêm A thì cũng có thể lây bệnh. Tuy nhiên trường hợp này thường rất hy hữu.
- Quan hệ tình dục đồng giới.
- Người sử dụng thuốc, cả thuốc tiêm và thuốc không tiêm.
- Những người mắc chứng rối loạn yếu tố đông máu chẳng hạn như bệnh máu khó đông.
- Người độ tuổi trên 50 và những người mắc bệnh gan dễ có nguy cơ mắc viêm gan A hơn bình thường.
Người thường xuyên đến những vùng có tỷ lệ mắc viêm gan A cao có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Virus viêm gan A xâm nhập vào cơ thể, tấn công tế bào gan và gây viêm. Bệnh lý này có liên quan mật thiết đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân và môi trường. Virus gây bệnh có thể sống tới hàng tháng trong môi trường ô nhiễm. Vì vậy mà các khu vực có điều kiện vệ sinh và thực hành vệ sinh kém thường có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan A khá cao.
Con đường lây lan của loại virus này là thông qua đường tiêu hóa (đường phân – miệng). Nếu bạn ăn phải thức ăn hoặc sử dụng nguồn nước có chứa virus sẽ bị nhiễm virus. Loại virus này cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc gần, chẳng hạn như quan hệ tình dục miệng – hậu môn với người nhiễm bệnh.
Thông tin chi tiết: Bị viêm gan A có di truyền không?
2. Hướng dẫn phòng ngừa viêm gan A
Cho tới nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan A. Do đó, các biện pháp phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng. Bạn hãy thực hiện theo những lưu ý sau đây để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan A một cách hiệu quả nhé:
Tiêm vắc xin viêm gan A
Tiêm vắc-xin viêm gan A có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa lây nhiễm virus này. Liệu trình vắc xin được xem là đầy đủ khi được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 6 tháng. Tiêm đúng và đủ liệu trình sẽ giúp cơ thể có kháng thể chống lại virus viêm gan A. Bên cạnh đó, vắc xin viêm gan A thường khá an toàn, không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên bạn hoàn toàn yên tâm.
Vắc xin viêm gan A được khuyến khích tiêm chủng cho những đối tượng:
- Trẻ em từ 1 tuổi trở lên.
- Người có quan hệ đồng tính nam.
- Người thường xuyên phải di chuyển tới vùng có tần suất bị viêm gan A cao.
- Người tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm gan A.
- Người có tiền sử với bệnh rối loạn đông máu.
Chi tiết: Hướng dẫn tiêm vắc xin phòng viêm gan A
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Đây là biện pháp phòng ngừa viêm gan A khá hiệu quả. Nếu muốn đạt được điều này, bạn cần thực hiện:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng thật kỹ với nước, tổi thiểu 20 giây. Đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hay chế biến đồ ăn.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và nguồn nước.
- Cần tiêu hủy tốt chất thải của người bệnh để không còn mầm móng virus lây lan ra cộng đồng.
- Nấu chín thức ăn, hạn chế ăn đồ chưa nấu chín.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, đạm và khoáng chất.
- Không nên sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như bia rượu, cà phê, nước ngọt có gas…
- Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi để cơ thể không bị thiếu năng lượng và mệt mỏi.
- Không sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt cá nhân như vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng… với người bệnh.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc chuyển hóa gan.
- Cần khám sức khỏe định kỳ để bệnh viêm gan A được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
Đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chế biến hợp vệ sinh để tránh lây nhiễm virus viêm gan A.